Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

 

Mỹ thông qua quyết định tuần tra "vùng cấm địa" 12 hải lý

(NLĐO) – Sau nhiều tháng tranh cãi, chính phủ Mỹ đã quyết định đồng ý cho hải quân nước này triển khai tàu và máy bay tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông.

Hôm 11-10, một quan chức Mỹ khẳng định với báo The Wall Street Journal rằng Washington đã thông qua quyết định nêu trên. "Chỉ còn là vấn đề thời gian" - quan chức này nói. Theo đó, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã sẵn sàng thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông sau đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hồi đầu năm nay.
Nguồn tin nội bộ cho biết lý do Mỹ trì hoãn việc cho tàu và máy bay tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc là nhằm tránh phủ bóng chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington hồi cuối tháng trước.
Tại buổi họp báo với Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng, ông Tập khi đó cam kết Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo, tuy không nói rõ ý nghĩa của cụm từ “quân sự hóa”.

Trung Quốc có ý đồ quân sự hóa biển Đông bằng việc xây đường băngvà cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự trên các đảo nhân tạo. Ảnh: Epic Times
Trung Quốc có ý đồ quân sự hóa biển Đông bằng việc xây đường băng
và cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự trên các đảo nhân tạo. Ảnh: Epic Times

Một phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối bình luận về phát biểu của ông Tập nhưng lưu ý Tổng thống Obama nói tại họp báo rằng “Mỹ sẽ tiếp tục đi thuyền, bay hoặc thực hiện bất cứ hành động nào phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ ngày 9-10 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bày tỏ quan ngại về thông tin Washington sẽ đưa tàu và máy bay vào "vùng cấm địa" 12 hải lý mà báo chí Mỹ đăng tải.
Theo giới chức Washington, Mỹ tổ chức tuần tra biển Đông 6 lần kể từ năm 2011, trong đó có 3 lần quanh quần đảo Trường Sa. Nhưng từ năm 2012, Mỹ dừng hoạt động này và không tiếp cận các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong phạm vi cách 12 hải lý.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định các quốc gia có chủ quyền với các đảo, bãi đá ngầm được hình thành tự nhiên cũng được quyền sở hữu vùng lãnh hải xung quanh các đảo và bãi đá ngầm này trong phạm vi nhất định.
Vì vậy, nếu Mỹ tuần tra xung quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc có nghĩa là họ trực tiếp không công nhận các đảo này thuộc chủ quyền của Bắc Kinh. Tương tự, báo The Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ khác khẳng định việc tuần tra sẽ đi phát tín hiệu Washington không công nhận tuyên bố trái phép về chủ quyền của Bắc Kinh.
P.Nghĩa (Theo The Wall Street Journal)