Gần đây dư luận bàn luận nhiều về việc các cơ quan thuộc Chính phủ ban hành ra những quy định pháp luật vô lý xâm phạm tới đời sống xã hội dân sự - nguyên nhân ở đây là do cơ quan hành pháp được thực hiện quyền lập pháp, tức là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật gồm nghị định, thông tư.
Có thể loại bỏ được những quy định bất công vô lý nếu trước khi ban hành văn bản được đưa ra bàn thảo ở Quốc hội. Khi đó các đại biểu đứng ở những góc độ khác nhau sẽ chỉ ra được tác hại của quy định và những hệ quả xấu nếu chính sách được thông qua.
Ở một quốc gia pháp quyền sẽ không bình thường nếu cơ quan hành pháp được thực hiện quyền lập pháp. Điều này không chỉ tạo ra bức bối khó chịu trong đời sống dân sự mà nó còn là nguyên nhân đưa đến lạm quyền, sai lầm trong chính sách. Câu hỏi đặt ra là tại sao Đảng lãnh đạo vẫn để tình trạng này diễn ra mà không có biện pháp chấn chỉnh?
Bỏ qua Quốc hội
Đảng lãnh đạo đất nước bằng chủ trương đường lối, Nhà nước sẽ chuyển hóa những nội dung lãnh đạo của Đảng thành luật pháp triển khai trong đời sống. Do phạm vi Đảng lãnh đạo rộng lớn gồm cả những vấn đề lớn nhỏ và thời gian quanh năm nên nếu chỉ có Quốc hội hoạt động định kỳ được quyền lập pháp thì sẽ không đủ đáp ứng đòi hỏi luật hóa chính sách của Đảng. Vì đó Đảng đã trao thêm quyền lập pháp cho Chính phủ là cơ quan hoạt động thường xuyên.
Chính phủ trở thành cơ quan chấp hành trực tiếp của Đảng, nhiều hoạt động của Chính phủ được triển khai trực tiếp từ các nghị quyết Đảng. Có những chủ trương chính sách Chính phủ triển khai không dựa trên bất cứ văn bản nào của Quốc hội về cùng vấn đề.
Ví dụ: Chủ trương cho thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành được Chính phủ triển khai trực tiếp từ Nghị quyết trung ương 3 khóa IX của Đảng. Trong nhiều năm Chính phủ thành lập một loạt tập đoàn, tổng công ty kinh doanh đa ngành mà Quốc hội không có bất cứ một nghị quyết nào nói về vấn đề này.
Chỉ đến năm 2009 khi được báo cáo hoạt động kinh doanh của tập đoàn có biểu hiện lệch lạc Quốc hội mới có Nghị quyết chấn chỉnh yêu cầu: tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh đa ngành nhưng phải xác định và tập trung cao vào ngành sản xuất, kinh doanh chính, lựa chọn kỹ lưỡng nội dung hoạt động trong các ngành khác mà doanh nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Quy định thật cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn, quy mô một tập đoàn, tổng công ty nhà nước được đầu tư sang các ngành, lĩnh vực khác. Chấn chỉnh kịp thời các lệch lạc trong thời gian vừa qua.
Một thực tế rõ ràng lâu nay Chính phủ gần như vượt thoát ra khỏi vai trò là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Trong Hội thảo về Hiến pháp do Văn phòng chính phủ tổ chức gần đây, có ý kiến cho rằng Chính phủ không cần là cơ quan chấp hành của Quốc hội và đề xuất bỏ đi nội dung Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội trong Hiến pháp.
Nếu đồng ý theo những ý kiến này thì phải sửa bỏ đi nội dung Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ưu và khuyết điểm
Điều thuận lợi khi Chính phủ là cơ quan chấp hành trực tiếp của Đảng là mọi chủ trương chính sách được Chính phủ triển khai mau chóng vì vốn dĩ Chính phủ là cơ quan chấp hành, không phải cơ quan bàn luận.
Mặc dù Đảng lãnh đạo Quốc hội nhưng khi đưa chính sách ra Quốc hội thì vẫn có thể phát sinh ý kiến trái chiều, nguyên nhân là Quốc hội có cả đại biểu là người ngoài Đảng hoặc những đại biểu có vị trí khoảng cách quá xa nên không song trùng về nhận thức và hành động với lãnh đạo. Trong khi đó đứng đầu các cơ quan Chính phủ đều là các ủy viên Trung ương nên dễ dàng quán triệt đường lối chính sách của lãnh đạo Đảng.
Nhược điểm lớn của việc này là ở chỗ Chính phủ hoạt động theo nguyên tắc cá nhân lãnh đạo, cấp dưới phục tùng cấp trên, do vậy ít có trường hợp cấp dưới có ý kiến đề xuất khác biệt với lãnh đạo, chỉ ra cái sai của lãnh đạo.
Trong khi đó đại biểu Quốc hội do dân bầu không có mối bận tâm nào khác ngoài ý chí và nguyện vọng của cử tri, họ mạnh dạn nói hết ra những mặt trái của chính sách, nhờ vậy ngăn ngừa được những chính sách bất công vô lý.
Lấy ví dụ, nếu chủ trương cho tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành được đưa ra bàn luận ở Quốc hội sẽ xuất hiện những câu hỏi: Đa ngành là bao nhiêu ngành? Các ngành nghề liên quan tới nhau như thế nào? Giới hạn mức đầu tư cho mỗi ngành ra sao?
Trường hợp Vinashin có ngành nghề kinh doanh chính là công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ và vận tải biển thì có liên hệ gì với những ngành: đầu tư xây dựng khu đô thị và nhà ở; chế biến kinh doanh các mặt hàng thủy hải sản, chế tạo cung ứng các thiết bị nuôi trồng thủy sản; sản xuất bia, rượu, nước giải khát?...
Trường hợp Vinalines ngành nghề chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và cung ứng các dịch vụ hàng hải, thì có liên hệ gì đến những ngành: vận tải hành khách bằng ôtô; kinh doanh bất động sản và hạ tầng giao thông; dịch vụ du lịch, du lịch lữ hành nội địa và quốc tế; dịch vụ vui chơi giải trí; kinh doanh cửa hàng miễn thuế, mua bán rượu, thuốc lá?...
Bằng việc công khai trả lời rõ những vấn đề chưa rõ ràng tại Quốc hội, sẽ dự liệu trước được những phát sinh trong tương lai. Các tập đoàn có lẽ đã không đầu tư dàn trải vô tội vạ mà giờ đây Chính phủ đang vất vả yêu cầu thoái vốn, Vinashin và Vinalines có lẽ đã không gây hệ quả quá xấu thiệt hại tới hàng trăm nghìn tỷ như đã xảy ra.
Chính phủ cần ở đúng vai trò là cơ quan thực hiện chính sách chứ không phải cơ quan ban hành chính sách. Khi vài người có quyền ban hành chính sách sẽ dễ bị các nhóm lợi ích thao túng, nhóm lợi ích không thể thao túng chi phối được vài trăm đại biểu Quốc hội.
Lâu nay, cùng là văn bản quy phạm pháp luật nhưng Luật của Quốc hội trước khi thi hành còn phải qua khâu kiểm tra và được ký công bố bởi Chủ tịch nước, còn nghị định và thông tư thì không. Đây cũng là nguyên nhân góp phần dẫn đến những chính sách sai lầm do bỏ sót khâu kiểm tra phòng ngừa.
Trong tương lai sẽ phải loại bỏ nghị định, thông tư khỏi danh mục các văn bản quy phạm pháp luật. Trước mắt có thể loại bỏ ngay thông tư, còn nghị định trước khi triển khai thi hành phải qua Chủ tịch nước ký duyệt.
Chính phủ có thiếu quyền?
Cần xác nhận thực tế rằng có những chính sách các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện không dựa vào bất kỳ chủ trương nào của Đảng hoặc Quốc hội về cùng vấn đề.
Có thể kể ra hàng loạt thông tư do các Bộ ban hành chứa đựng những quy định bất công vô lý mà Đảng và Quốc hội không hề có chủ trương như thế. Gần đây trong khi kinh tế suy thoái đời sống nhân dân lao động vốn đã nhọc nhằn, các Bộ không biết khoan sức dân còn ban hành ra những quy định gây bức xúc làm tiêu hao sinh khí nhân dân.
Đây có thể xem như một sự tha hóa quyền lực do quá nhiều quyền, vừa hành pháp vừa lập pháp. Vấn đề này cần thay đổi sớm để tốt cho dân, tốt cho Đảng.
Trong khi góp ý sửa đổi Hiến pháp có ý kiến cho rằng quyền hạn hiến định cho thủ tướng Chính phủ còn bó hẹp, cần tăng thêm. Không rõ theo những ý kiến đó Thủ tướng Chính phủ còn thiếu quyền nào để bổ sung?
Lấy ví dụ về quyền hạn của thủ tướng Chính phủ: Để tái lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, tổng bí thư đã phải thai nghén đề án trong bao lâu, thuyết phục bao nhiêu người, thông qua bao nhiêu hội nghị? Trong khi đó chỉ bằng hai quyết định của cá nhân Thủ tướng đã lập ra hai ban gồm Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm thuộc Chính phủ, và Ban chỉ đạo liên ngành triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015, hai Ban này có nhiệm vụ quyền hạn chưa chắc đã thua kém Ban Nội chính và Ban Kinh tế của Đảng.
Việc lập ra các Ban này hẳn là tốn kém nguồn nhân vật lực quốc gia, nếu việc lập các Ban giúp cho hoạt động của Chính phủ tốt hơn thì cũng cần kiến nghị Chính phủ lập thêm ra Ban công nhân và Ban nông dân, bởi lẽ những vấn đề của công nhân hay nông dân cũng rất bức thiết, rất cần được Chính phủ quan tâm giải quyết.
Tình trạng nghèo đi của kinh tế đất nước như hiện tại nguyên do không phải là Chính phủ thiếu quyền để giải quyết, mà do nhiều quyền mà không bị kiểm soát. Vì nhiều quyền và không bị kiểm soát nên đã phát sinh ra những chủ trương chính sách bất công sai lầm phung phí nguồn lực đất nước.
Chính phủ cần soát xét lại danh mục thứ tự các vấn đề ưu tiên thực hiện để nhân dân khỏi quên mất đây là chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Tăng quyền Quốc hội
Trong hệ thống hiện tại Đảng và Chính phủ đang nắm giữ nhiều quyền, xu hướng tương lai cần san sẻ bớt cho Quốc hội. Đảng cần giúp nâng cao vai trò của Quốc hội, buộc Chính phủ trong khi là cơ quan chịu sự lãnh đạo của Đảng thì vẫn là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Làm việc đó chế độ sẽ có được chất kháng sinh trong cơ thể kháng ngừa những chính sách sai lầm có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh mệnh của Đảng và tồn vong của chế độ.
Sẽ là sai khi nghĩ rằng chỉ những chủ trương lớn mới đưa ra Quốc hội quyết định, đúng ra cả những chủ trương nhỏ cũng cần đem ra Quốc hội vì chủ trương nào khi thực hiện cũng sử dụng tiêu hao nguồn nhân lực vật lực Quốc gia. Quốc hội đại diện cho dân chúng sẽ cân nhắc sử dụng nguồn lực vào việc gì cho thích đáng bởi lẽ đất nước còn nghèo cần hết sức tiết kiệm.
Dự thảo Hiến pháp cần giữ nguyên nội dung Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đưa lại nội dung Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, rà soát loại bỏ quy định trao cho Chính phủ quyền lập pháp. Hiến pháp cần tăng quyền cho Quốc hội bằng cách tăng thời gian họp của Quốc hội lên hơn 2 kỳ một năm, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đầu tư tài chính để mỗi đại biểu có được đội ngũ văn phòng giúp việc cố vấn. Các Đại biểu Quốc hội cần nắm bắt phát huy những quyền hạn đã có để tận tâm thực hiện trách nhiệm trước cử tri, tránh thờ ơ với vai trò của mình.