Ông Thủ tướng chưa yên? (Phần 3)
Nguyễn Ngọc Già
Báo VNN cho biết [1]: "Một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khiến không ít người giật mình". Giật mình việc gì? "Đó là, tỷ lệ thành công khi thuê “xã hội đen” thu hồi nợ cao đến 90% và thời gian chỉ từ 15 đến 30 ngày, trong khi đó nếu sử dụng phương án khởi kiện tại tòa và cơ quan thi hành án, thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới... 400 ngày". Cũng theo khảo sát, chỉ có 30% số người được hỏi, chọn tòa án làm nơi "thanh toán" nợ nần.
Không biết thông tin này có làm cho Ngân hàng Bản Việt hay thương hiệu thức ăn nhanh McDonald's lo lắng chút nào không, rủi như "một ngày đẹp trời", các vị chủ nhân này cũng buộc phải nhờ tới "xã hội đen" ra tay để thu về đồng vốn "mồ hôi nước mắt" tần tảo bao năm qua giờ có nguy cơ mất trắng bởi các chủ nợ chây ì?
"Cá ăn kiến có ngày kiến ăn cá". Đời bể dâu thật khó lường, không ai dám nói trước điều gì, đặc biệt trong một xã hội loạn lạc đến khủng khiếp như Việt Nam hiện nay, dù ông Thủ tướng có vẻ đang loay hoay làm thế nào để khai triển "nhà nước pháp quyền" trên thực tế?
Kiệt quệ và bỏ chạy
Làm sao có thể yên nổi khi phải chứng kiến hình ảnh nhà độc tài Viktor Yanukovych chạy trốn và để lại một "đống nợ nần" cùng sự chia rẽ sâu sắc trong dân chúng với biểu hiện nghiêm trọng như BBC cho hay [2]: "Việc chiếm giữ các trụ sở [chính phủ] xảy ra một ngày sau có đụng độ giữa phe ly khai thân Nga và những người ủng hộ ban lãnh đạo mới ở Ukraine" tại vùng Crimea đông người gốc Nga sinh sống. Cờ Liên bang Nga đã được treo lên tại đó như một chỉ dấu rẽ chia nghiêm trọng của hai phe.
Tình hình Ukraine đang diễn ra làm dư luận Việt Nam bùng lên một sự liên hệ để so sánh những điểm giống nhau và khác biệt giữa một quốc gia lệ thuộc quá nhiều vào Liên bang Nga và một quốc gia cũng như thế với Trung Quốc.
Người ta cũng biết Ukraine lâm vào thế kẹt với Nga, đó là lý do làm cho gói cứu trợ còn lại khoảng 12 tỉ USD từ Moscow có nguy cơ bỏ dở [3], trong khi đó "Ukraine cần phải thanh toán khoản nợ khoảng 6,5 tỷ USD trước cuối năm 2014, đồng thời cần thêm 6,5 tỷ USD để trang trải các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai". Nguy cấp hơn [4]: "Trong 3 ngày tới, chính phủ Ukraine lâm thời phải tìm được ít nhất 5 tỷ euro để tránh khả năng vỡ nợ...". Song song đó, "cùng ngày 26-2, IMF đã đề xuất khả năng gửi một đoàn công tác tới Ukraine để chuẩn bị về mặt kỹ thuật khả năng giải ngân các khoản cứu trợ tài chính mới cho chính phủ lâm thời..."
IMF thật nhanh nhảu. Hoa Kỳ là quốc gia chiếm tỉ trọng vốn cao nhất trong tổ chức này.
Tháng 9/2012, Cổng thông tin điện tử Chính Phủ cho hay [5]: "Từ tháng 4/2004 đến nay, quan hệ Việt Nam - IMF tiếp tục được duy trì tốt đẹp mặc dù giữa hai bên không còn chương trình vay vốn".
Chiều 26/9/2013, ông Thủ tướng bay sang Washington D.C để thăm IMF và WB. Báo Dân Trí cho biết [6] ông Nguyễn Tấn Dũng "bày tỏ niềm vui lần đầu đến thăm trụ sở IMF"(!). Đúng một năm về trước [7]: "...Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chính phủ không cần đến sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, do tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam « đang có nhiều chuyển biến tích cực »...".
Sau khi Moody's công bố nợ xấu Việt Nam ít nhất 15%, ngày 21/2/2014 Ngân hàng nhà nước đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này với lời giải thích [8]: " Nếu tính toán một cách thận trọng, thì tỷ lệ nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN, chỉ khoảng 9%".
Cũng trong bài báo này, Ngân hàng nhà nước tiếp tục khẳng định: "...những thông tin thị trường và những nghiên cứu, đánh giá chất lượng tín dụng của cơ quan, tổ chức không có chức năng quản lý Nhà nước chỉ có ý nghĩa tham khảo". Với con số chênh lệch quá lớn (từ mức dưới 4% lên 9%) ít nhất cho thấy Ngân hàng nhà nước công bố các chỉ số kinh tế quan trọng tỏ ra bất nhất. Cho tới khi có những tổ chức chuyên nghiệp trên thế giới uy tín lên tiếng, họ vội vàng đính chính, điều này càng dễ bộc lộ thành ngữ "dấu đầu lòi đuôi", đó không phải cách làm việc chuyên nghiệp và khôn ngoan.
Cập nhật tháng 5/2013, Vietinbank trở thành ngân hàng có vốn lớn nhất Việt Nam [9], nơi vừa "dính chàm" qua vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đòi phủi tay trong việc làm mất 4.000 tỉ đồng.
Agribank, ngân hàng lớn thứ hai hiện nay và cũng đầy tai tiếng theo cách gọi của báo Người Đưa Tin [10] "Hàng loạt sếp lớn Agribank ‘dính’ vòng lao lý". Hiện nay nợ xấu của ngân hàng này được cho là hơn 33.000 tỉ đồng [11], có thể tin được theo tổng nợ xấu là 4% như công bố trước đây. Số này chiếm 25% nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng. Các hành vi vi phạm pháp luật của nhiều cá nhân thuộc Agribank diễn ra trong thời gian ông Nguyễn Ngọc Bảo giữ chức Chủ tịch ngân hàng Agrinbank (từ tháng 7/2011). Tuy nhiên, ông Bảo vừa được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng ban kinh tế trung ương [12] vào 30/12/2013. Việc "đi lên" của ông Bảo dễ liên tưởng đến hình ảnh "thong dong" như chưa hề vướng chút "bụi trần" nào từ khối nợ khủng khiếp như trên mà người quan sát chưa thể tin đó là con số cuối cùng (?).
Người ta nhắc lại câu thành ngữ "Kẻ ăn ốc người đổ vỏ".
Tù nhân lương tâm và TPP
Theo "truyền thống", nhiều người tin chắc có mối liên hệ giữa "tiền" và "tù". Tất nhiên, dưới chế độ cộng sản, những "vật thể" đạt cả "giá trị" và "giá trị sử dụng" cao, không ai khác hơn các tù nhân lương tâm.
Trong một lá thư ông Trần Huỳnh Duy Thức gởi về gia đình [13], ông cho biết: "...Nếu muốn sống ở nước ngoài, như ba cũng biết, thì con đã có quốc tịch khác từ lâu rồi". Do đó, ông Thức tha thiết: "... mong ba hiểu cho con và ủng hộ con đến cùng để đòi lại công lý cho con, chứ không chỉ là tự do thân thể. Con tin rằng chúng ta sẽ làm được, sẽ rất đau xót nếu tổ quốc từ chối mình để mình phải nghĩ đến việc tị nạn, phải không ba?".
Tâm sự của ông Trần Huỳnh Duy Thức có vẻ làm người đọc thấy rõ mối tương quan của việc trả tự do đi kèm điều kiện "cút khỏi" "nước CHXHCNVN" do giới cầm quyền cộng sản đặt ra.
Cũng trong những ngày giáp tết vừa qua, một bút danh lấy tên Nguyễn Nhân Trung tung tin thất thiệt [14]: Sẽ có nhiều tù nhân lương tâm nổi tiếng được trả tự do nhưng kèm điều kiện "biến khỏi Việt Nam" làm nhiều độc giả giận dữ khi người cộng sản xem sinh mạng và tự do của những người đấu tranh dân chủ trở thành món hàng đổi chác cho lợi ích "kinh tế thị trường định hướng XHCN" trong thời điểm ngắc ngoải sống với hoàn cảnh cạn kiệt "tiền nong".
Thủ đoạn này quá cũ và càng phơi bày bản chất "chợ búa" của chế độ độc tài toàn trị. Họ không hiểu nổi, lòng dân ngày nay không còn như nhiều năm về trước. Tư duy người cộng sản Việt Nam vẫn lạc hậu trong bối cảnh nhiều chế độ độc tài đã và đang diệt vong.
Cùng với thủ đoạn nhàm chán đó, hàng loạt vụ khủng bố trước và sau tết Giáp Ngọ diễn ra dày đặc cả 3 miền Bắc - Trung - Nam: với Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển và phu nhân, toàn bộ gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Thạnh v.v... và với Phạm Thanh Nghiên mới đây trong đám tang thân mẫu của chị, cùng nhiều người khác.
Các trường hợp gần như chung một cung cách: tấn công thô bạo, hành hung dã man, kèm theo đe dọa như Nguyễn Lân trưởng CA xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang Đà Nẵng, đã đe dọa trắng trợn mẹ ông Thạnh rằng: Nguyễn Văn Thạnh sẽ phải chết nếu không tự tước bỏ quyền tự do ngôn luận của mình [14A].
Ông Truyển bị tống về Sài Gòn và được thả ra từ đó là chỉ dấu gì? Tại sao công an Đồng Tháp ngang nhiên bắt bà Hằng, bà Quỳnh, ông Minh? Tại sao ông Truyển tiếp tục bị hành hung khi ra Hà Nội tiếp xúc với các đại sứ quán? Tại sao gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn, cá nhân ông Nguyễn Văn Thạnh liên tục bị khủng bố, đánh đạp dã man? Tại sao đám tang mẹ chị Phạm Thanh Ngiên bị quấy phá?
Tất cả những câu hỏi trên đều chung lời đáp: người cộng sản rất rối trí trước tình hình nội bộ họ phân hóa sâu sắc và họ dùng "chiêu thức đàn áp" người bất đồng chính kiến để trình ra "ê kíp" Thủ tướng càng xấu xí và bất lực sau kỳ UPR vừa qua, cũng như đẩy ông Nguyễn Tấn Dũng vào thế rất khó gỡ, bởi 227 lời khuyến nghị từ thế giới đang chờ hồi đáp vào tháng 6/2014. Do đó, dự đoán trong 4 tháng tới, khả năng sẽ xảy ra liên tục trên diện rộng các cuộc trấn áp thô bạo và nguy hiểm hơn đối với nhiều người, đặc biệt đối với 4 người: Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Thạnh.
Với mô hình "cai trị" bấy lâu, đầy chất "cát cứ địa phương", điều này không có gì lạ. Chỉ mỗi "miếng đất đẹp" cấp cho Viện Toán của ông Ngô Bảo Châu mà 3 năm qua, ông Phạm Quang Nghị còn "hà tiện" với ông Thủ tướng, làm sao dám mong ông bí thư Hà Nội "vuốt mặt nể mũi" để giúp ông Thủ tướng giữ "thể diện quốc gia" trước đại sứ quán Úc, khi vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển bị hành hung giữa thanh thiên bạch nhật, nói gì đến 227 lời khuyến nghị từ UPR (!).
Dư luận vẫn đang gắn kết nhân quyền và TPP, tất nhiên trong đó có cả tù nhân lương tâm.
Một mắc mứu lớn trong gia nhập TPP là việc phải có nghiệp đoàn độc lập và các doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng. Xét cho cùng, đó cũng là những chuẩn mực nhân quyền mà bấy lâu nay vẫn chưa có tại Việt Nam.
Nên thêm vào 2 chữ "cộng sản" trước tựa bài [15] "Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP” của báo Cafef.vn để dân Việt Nam đừng bị ru ngủ từ những ông (bà) "giáo sư", "tiến sĩ". Chính xác hơn, các "nhóm lợi ích" hưởng lợi nhiều nhất, một khi TPP thành công. Lấy gì đảm bảo sau đó người dân được tự do lập nghiệp đoàn và các doanh nghiệp bình đẳng kinh doanh, khi họ buộc phải tìm mọi cách tồn tại trong một chế độ đứng hàng "đệ nhất lật lọng" của thế giới cộng sản mà ngay cả "anh em bốn tốt" của họ còn khinh bỉ để năm xưa "dạy cho bài học" và hôm nay đang tìm mọi cách "liếm" trọn biển Đông bằng "cái lưỡi bò"? Và "tấm gương" từ lời hứa cuối 2018 Việt Nam đoạn tuyệt kinh tế phi thị trường, khi được vào WTO, đến nay đã xuất hiện nhiều vết rạn, nhất định 2018 nó vỡ nát.
Dù thành công hay thất bại, chiêu bài TPP chỉ là "chiến lợi phẩm" của bên này hay bên kia. Đừng nhân danh vì "lợi ích Việt Nam" nữa, hỡi người cộng sản! Rất tiếc, họ không bao giờ chấp nhận chân lý: không có gì là không phải trả giá. Họ quá tham và luôn muốn được tất cả, nên ngày nay mới ra cớ sự một Việt Nam luôn èo uột về kinh tế, luôn bị thế giới dè chừng trong mọi vấn đề!
Kết
Có nhiều người muốn "vùi chôn" vụ án "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" cùng với nấm mồ Phạm Quý Ngọ. Tuy nhiên, càng muốn chôn vùi nó mặc nhiên chấp nhận Phạm Quý Ngọ là kẻ có tội. Cần tiếp tục tiến hành điều tra các nghi can liên quan, đó là cách giải quyết hợp pháp, hợp lý, hợp tình, bởi ông Ngọ không phải là nghi can duy nhất trong vụ án đã được khởi tố.
Vụ ông Ngọ chưa yên, lại này nòi ra dinh thự "khủng" của ông Trần Văn Truyền. Dư luận đang đòi "tra" cho đến khi nào "thanh" với câu hỏi: tiền đâu nhiều đến mức mà lương của một Tổng thanh tra Chính phủ có thể xây cả một "lâu đài tình ái" to đến thế và có thể còn nhiều tài sản ở các địa phương khác?
Báo VNExpress cho hay [16]: "UBND TP HCM vừa quyết định mua lại 1.050 căn hộ tại quận Bình Thạnh để bố trí tái định cư cho các dự án trọng điểm của thành phố" với trị giá hơn 800 tỉ đồng, trong đó phục vụ cả cho việc giải tỏa nhà dân để xây mới "trường Cán bộ Tp". Hiệu trưởng trường này là bà Trương Thị Hiền - vợ ông Lê Thanh Hải - Bí thư thành ủy Tp.HCM.
Những lý luận giáo điều Mác - Lê - Hồ "ế chỏng chơ" như rau héo chợ chiều, đến nỗi phải dụ sinh viên bằng cách "khuyến mãi" miễn phí [17], nay hà cớ gì tốn thêm hàng trăm tỉ đồng của dân để giả tỏa nhà dân xây mới "trường cán bộ" (?). Tuy nhiên đáng nói hơn, với cách thức tự tiện trấn "một đống nhà tái định cư" cho dân theo kiểu "chịu thì chịu không chịu thì thôi", nên chẳng có gì lạ khi "đội quân" dân oan tiếp tục tăng lên nhanh chóng và ông Thủ tướng nói riêng cùng các ông, các bà cộng sản cấp cao nói chung đừng than trách "dân khố rách áo ôm" lếch thếch kéo lê hết từ nơi này sang nơi khác để "làm xấu mặt các người", như mới đây người dân đã kéo đến lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn đòi đất [18]
Ông Thủ tướng có yên nổi không với những thông tin ngồn ngộn như thế?
Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng chưa yên, thì thông tin cuối cùng này có thể làm ông "yên tâm" hơn tí chút : "Việt Nam âm thầm mở những casino để phục vụ cho khách từ Trung Cộng" [19] với giá trị đầu tư lên đến cả chục tỉ đô la Mỹ tại Lạng Sơn, Đà Nẵng, Vũng Tàu v.v... Thông tin này có vẻ cũng dành cho những ai đang thất nghiệp quan tâm để tìm "một chỗ đứng" và nó đang chờ đón những ai muốn... "đổi đời". Khái niệm "đổi đời" tùy theo định nghĩa mỗi người dân Việt Nam (!)
(Hết)
Nguyễn Ngọc Già, Việt Nam 28-02-2014