Quốc tế cần có hành động trước Bắc Hàn'
Cập nhật: 04:35 GMT - thứ ba, 18 tháng 2, 2014
Cộng đồng quốc tế cần có hành động trước những bằng chứng về tội ác chống lại nhân loại tại Bắc Hàn, bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc nhận định.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Ban chuyên trách do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ủy quyền nói người dân Bắc Hàn đang phải hứng chịu 'những hành động tàn bạo khủng khiếp’, và những kẻ chịu trách nhiệm, trong đó có lãnh tụ Kim Jong-un, phải đối diện trước công lý.
Nhóm chuyên gia này đã được nghe bằng chứng về những vụ tra tấn, lao động khổ sai, bạo lực tình dục, đàn áp chính trị nghiêm trọng cũng như một số tội ác khác.
Bình Nhưỡng đã từ chối cộng tác điều tra về nhân quyền và bác bỏ các kết luận trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Ủy ban của Liên Hiệp Quốc nói ông Kim đã không đáp lại báo cáo của Liên Hiệp Quốc được gửi đi trước đó, cũng như một lá thư cảnh báo rằng ông này có thể bị quy trách nhiệm cá nhân cho những tội ác tại Bắc Hàn.
Những người làm chứng trước ủy ban của Liên Hiệp Quốc bao gồm một phụ nữ bị buộc phải nhấn nước con nhỏ của mình, những đứa trẻ sinh ra trong tù và bị bỏ đói đến chết, những gia đình bị tra tấn vì xem phim tình cảm tâm lý của nước ngoài.
Ông Michael Kirby, chủ tịch của Ủy ban Điều tra Khiếu nại, nói bản phúc trình kêu gọi "sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế."
"Vào cuối Đệ nhị Thế chiến, nhiều người nói rằng 'giá như chúng ta biết được những điều sai trái đã xảy ra tại các quốc gia thù địch," ông nói.
"Giờ thì cộng đồng quốc tế đã biết. Chúng ta không thể tiếp tục biện hộ rằng vì không biết nên đã không hành động nữa," ông nói tại một buổi họp báo ở trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại Geneva.
"Đã quá nhiều lần tại tòa nhà này, những bản báo cáo không được nối tiếp bằng hành động."
"Nhưng lần này chúng ta sẽ cần phải hành động."
'Tàn ác khủng khiếp'
"Đã quá nhiều lần tại tòa nhà này, những bản báo cáo không được nối tiếp bằng hành động. Nhưng lần này chúng ta sẽ cần phải hành động."
Michael Kirby, chủ tịch Ủy ban Điều tra Khiếu nại LHQ
Phóng viên BBC Imogen Foulkes ở Geneva nói rằng bản phúc trình về tình hình nhân quyền ở Bắc Hàn là một trong những báo cáo chi tiết nhất và nghiêm trọng nhất mà Liên Hiệp Quốc từng công bố.
"Tính nghiêm trọng, quy mô và bản chất" của từng vụ việc cho thấy "một quốc gia không giống với bất cứ nơi nào trong thế giới đương đại," bản phúc trình viết.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết tại Bắc Hàn:
- "Người dân dường như bị bác bỏ hoàn toàn quyền tự do suy nghĩ, tự do lương tâm và tự do tôn giáo"
- Tình trạng phân biệt đối xử trong xã hội, bắt nguồn từ hệ thống giai cấp do nhà nước phân loại, khiến đời sống bị ảnh hưởng về mọi mặt.
- Phụ nữ bị phân biệt đối xử "ở mọi khía cạnh trong xã hội".
- Nhà nước đã "lấy lương thực làm công cụ để cai trị" và cố ý chặn viện trợ vì những lý do liên quan đến ý thức hệ, dẫn đến cái chết của "hàng trăm nghìn người".
- "Hàng trăm nghìn tù nhân chính trị đã chết trước sự tàn ác khủng khiếp" tại các nhà giam trong suốt 50 năm qua.
- Các lực lượng an ninh "sử dụng bạo lực một cách có hệ thống" nhằm tạo một xu thế sợ hãi.
"Trong nhiều trường hợp, những vi phạm nhân quyền ... đã cấu thành tội ác chống lại nhân loại," báo cáo nhận đinh.
"Đây không chỉ đơn thuần là sự vượt quá giới hạn của nhà nước; chúng là một phần của một hệ thống chính trị khác xa với lý tưởng mà nó tự nhận là đại diện."
Liên Hiệp Quốc phải "đảm bảo những kẻ phạm tội ác chống lại nhân loại" sẽ bị quy trách nhiệm, thông qua Tòa án Hình sự Quốc tế, hay một tòa án của Liên Hiệp Quốc.
Liên Hiệp Quốc cũng nên "thực hiện cấm vận có mục tiêu đối với những kẻ chịu trách nhiệm nhiều nhất cho tội ác chống lại nhân loại" và tăng cường giám sát tình trạng vi phạm nhân quyền tại Bắc Hàn.
Từ chối cộng tác
Bắc Hàn đã từ chối cộng tác với ủy ban của Liên Hiệp Quốc trong cuộc điều tra về nhân quyền và cho biết nước này "bác bỏ một cách thẳng thừng và toàn diện" báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Phản hồi dài hai trang của Bắc Hàn, được một trong những đại diện của nước này tại Geneva gửi đến hãng thông tấn Reuters, viết:
"Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên một lần nữa khẳng định "tình trạng vi phạm nhân quyền" được nhắc đến trong cái gọi là "báo cáo" không tồn tại ở nước chúng tôi."
Ông Kirby nói "một cách rất tốt để đáp lại hàng loạt những cáo buộc và khiếu nại - đó là mở đường cho cộng đồng quốc tế được tận mắt chứng kiến tình hình tại Bắc Hàn."
Nam Hàn cho biết nước này hoan nghênh báo cáo của ủy ban do Liên Hiệp Quốc ủy quyền và hy vọng nó sẽ giúp "nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế," trong khi Hoa Kỳ nói bản báo cáo này "đã ghi nhận một cách chính xác và rõ ràng sự tàn bạo" của chính quyền Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Hàn, nói điều này sẽ không "giúp giải quyết tình hình nhân quyền".
Ủy ban của Liên Hiệp Quốc sẽ chính thức công bố kết luận điều tra vào tháng tới, trong khi Hội đồng Nhân Quyền sẽ quyết định ủng hộ những đề xuất nào.
Tuy nhiên hiên vẫn chưa rõ hành động nào sẽ được đưa ra. Giới quan sát cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào nhằm đưa Bắc Hàn ra Tòa án Hình sự Quốc tế.
Một tòa án như từng được thực hiện đối với Rwanda, Sierra Leone hay Campuchia khó có khả năng diễn ra nếu không có sự hợp tác từ bên trong Bắc Hàn.