Đề nghị tử hình Dương Chí Dũng
13/12/2013 15:55 (GMT + 7)
TTO - Chiều 13-12, Đại diện VKSND TP.Hà Nội đã phát biểu kết luận vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines)
>> Phải đổi tiền 500.000 đồng để đưa Dương Chí Dũng
>> Sẽ thanh lý ụ nổi để giảm thiệt hại
>> Dương Chí Dũng quyết không khai tên người báo tin để bỏ trốn
>> Sẽ thanh lý ụ nổi để giảm thiệt hại
>> Dương Chí Dũng quyết không khai tên người báo tin để bỏ trốn
Theo đề nghị của VKS, mức án tử hình đối với Dương Chí Dũng là tổng hợp cho hai tội danh "tham ô tài sản" và "cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines) cũng bị đề nghị hình phạt tử hình cho hai tội danh trên.
Cụ thể, mức án đề nghị của VKS như sau:
Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT): tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng. Tổng hợp cho hai hình phạt là tử hình. Theo VKS, Dũng là người đã phê duyệt chủ trương dự án, ký quyết định mua ụ nổi 83M gây thiệt hại hơn 366 tỉ cho nhà nước, tham ô 10 tỷ đồng.
Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT): tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp cho hai hình phạt là tử hình. Bị cáo Phúc đã cố ý làm trái quy đinh, vai trò cầm đầu khi kí tờ trình đề nghị phê duyệt dự án ụ nổi, gây thất thoát cho nhà nước 366 tỉ đồng, tham ô 10 tỉ đồng.
Theo đại diện Viện kiểm sát, tại phiên tòa các bị cáo không nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau. Tuy nhiên hành vi sai phạm của các bị cáo đã được xác định rõ.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại tòa, có đủ căn cứ xác định bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã cùng các bị cáo khác làm khống hồ sơ pháp lý để mua ụ nổi 83M khi ụ nổi này không đủ điều kiện để được nhập khẩu. Việc làm này đã gây thất thoát cho nhà nước hơn 366 tỉ đồng. Tại tòa một số bị cáo cho rằng mình không sai phạm, kêu oan nhưng những lời kêu oan trên không có căn cứ.
Ngoài hai bị cáo Dũng và Phúc, VKS cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt:
Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 19-20 năm tù về tội tham ô tài sản, 9-10 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt cho hai tội là từ 28-30 năm tù.
Bị cáo Trần Hải Sơn |
Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines): 13-14 năm về tội tham ô tài sản, 9-10 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt cho hai tội từ 22-24 năm tù. Bị cáo Chiều là người được chia 340 triệu đồng. Quá trình điều tra có ăn năn, tự động khắc phục hậu quả, nên VKS cũng đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines) bị đề nghị từ 8-10 năm tù. Khang có vai trò đồng phạm giúp sức, tham gia đoàn giám sát, kí nháy, gây thiệt hai cho nhà nước hơn 366 tỉ.
Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines): 6-8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN) bị đề nghị từ 6-8 năm tù. Dương đã tham gia lập ký biên bản kiểm tra giám định đánh giá tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M không đúng thực tế.
Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa): 6-8 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò đồng phạm giúp sức, ký quyết định cho thông quan ụ nổi 83M
Bị cáo Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa): 6-8 năm tù và Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa): đề nghị 6-8 năm tù cùng về tội Cố ý làm trái.
Về phần dân sự, VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Dũng, Phúc, Sơn và Chiều phải bồi thường cho nhà nước hơn 28 tỉ đồng. Trong đó Dũng và Phúc mỗi bị cáo bồi thường 10 tỷ đồng, Sơn 7 tỉ 800 triệu đồng, Chiều 340 triệu đồng.
Ngoài ra VKS đề nghị 10 bị cáo liên đới chịu trách nhiệm bồi thường 338 tỉ đồng thiệt hại do hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế mà các bị cáo gây ra.
TÂM LỤA
Nguyên tổng giám đốc Mai Văn Phúc cũng bị đề nghị tử hình |