Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

theo Hà Hiển :

Về lòng biết ơn và mối quan hệ sòng phẳng giữa nhà nước và nhân dân

Tiểu Bối
Lời dẫn của Hà Hiển-  Đối với bất kỳ ai có may mắn được sống trong một thể chế dân chủ thì vấn đề được nêu trong bài viết dưới đây chỉ là một trong những chân lý hết sức tự nhiên như 1 + 1 = 2, không đáng phải phải bàn cãi hay phân tích gì nhiều. Nhưng đối với không ít người đang là “thần dân” ở những phần khác của thế giới thì những chuyện đơn giản như thế này lại hoàn toàn xa lạ đối với họ, không chỉ đối với những người ít học mà kể cả nhiều người có học vị  cao, chẳng hạn như một nữ đạo diễn điện ảnh khá nổi tiếng hay một nhà báo cao cấp đã từng dẫn câu thành ngữ “chó không chê chủ nhà nghèo” để chỉ trích các công dân bất mãn với nhà nước. (*) Và đối với những người như bà đạo diễn hay ông nhà báo nọ thì vẫn rất cần phải có những bài viết phổ biến những kiến thức abc về chính trị – xã hội và quyền công dân như bài viết dưới đây để giúp họ mở mang đầu óc, để không trở thành những kẻ nô lệ về tư tưởng, cho dù là những nô lệ cao cấp (HH).
xhds
Chúng ta hãy hiểu rằng hành vi biết ơn, hay ghi công gì đấy chỉ nên được dành cho những người đã làm gì đó tốt đẹp cho mình mà mình đã không phải trả công lại cho họ lúc họ thực hiện điều đó và điều đó là một chiều. Ví dụ: Biết ơn bố mẹ, ông bà là điều bình thường, vì họ đã ban cho mình những điều quý báu nhất: cuộc sống, ăn học, vật chất từ nhỏ đến lớn – họ tự nguyện thực hiện những điều đó mà không cần và không nhận đền đáp từ mình một chút nào trong suốt quá trình mình thừa hưởng thành quả của họ. Cũng như không có công cụ bạo lực bắt buộc hay cưỡng chế ta phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng lại. Thế nên Cha mẹ mình thì mình không chỉ tôn vinh mà thậm chí xưng tụng, thờ-bái-vái-lạy cũng chẳng vấn đề gì, vì họ nuôi mình không cần điều kiện, THƯƠNG mình KHÔNG CẦN mình làm gì cho họ.Còn với vua chúa, chính phủ thì khác. Vua chúa, chính phủ chỉ đơn thuần là một nhóm người cung cấp một số dịch vụ chuyên biệt cho người dân dựa trên tiền thuế mà người dân bị BUỘC phải đóng góp. Nếu không đóng góp thì sẽ bị cưỡng chế BẮT BUỘC phải đóng góp. Mối quan hệ này không hề có “ơn nghĩa” hay “công lao” gì ở đây cả. Chiếu theo ý nghĩa hiện đại của public policy, đây chỉ đơn thuần là một “hợp đồng” (hay đúng hơn là một “khế ước xã hội” – social contract – vì nó không mang tính tự nguyện như hợp đồng / khế ước thông thường) giữa chính phủ và người dân, thông qua đó người dân trả tiền thuế cho chính phủ thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận tương ứng của mình.Đây là một mối quan hệ rất sòng phẳng theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không ai nợ ai cái gì ở đây cả.

Photo: Peppermint Sunshine
Bởi ta nói, vua chúa thì lấy tiền thuế (bắt ép phải đóng bất kể dân có muốn hay không, cũng chẳng thông qua trưng cầu dân ý, “dân chủ” gì sất), và khi họ cần thí luôn sinh mạng của dân để hoàn thành mục tiêu của họ, sinh mạng người dân đôi khi nó giống như con tốt thí mạng trong tay họ vậy thì “ghi công”, “tôn vinh” nỗi gì?Đọc đến đây nếu các bạn vẫn còn ngoan cố ca bài ca có điệp khúc sau:
- Nếu không có chính phủ, ai bảo vệ người dân khỏi giặc nội-ngoại xâm?
- Nếu không có chính phủ, ai bảo vệ người dân khỏi bọn trộm, cướp, hiếp, giết?
- Nếu không có chính phủ ai,ai làm công trình này, dự án kia, làm cái nọ, làm cái kia?
- Không có chính phủ thì người dân sẽ bị bla bla bla bla?
Thì xin thưa với các bạn, nếu đã sống nửa đời người, đầu đội trời chân đạp cứt mà chỉ để hỏi câu “Nếu không có chính phủ… thì sẽ thế này thế kia…” thì tại sao không ráng hỏi thêm câu hỏi “Nếu không có dân và tiền thuế của dân, thì chính phủ sẽ làm được cái tích sự gì như đã kể trên…” nếu không hỏi thêm câu này thì thật uổng phí luôn nửa đời người còn lại.
Bonus thêm: Việc một chính phủ bảo vệ người dân khỏi giặc nội-ngoại xâm, trấn áp tội phạm, đánh đuổi giặc ngoại xâm, hay dàn xếp những xung đột trong dân chúng (thông qua tòa án) nó chính xác chỉ đơn thuần là biểu hiện của khế ước xã hội (social contract) này và nó cũng chính là nghĩa vụ bắt buộc của chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ/nghĩa vụ tương ứng trong cái hợp đồng có tên Social Contract, chấm hết! Không có ơn nghĩa chi hết!
___________________________________________________________________________________
(*) Đọc thêm bài đã đăng:

Ai là con, cha mẹ, chó và chủ nhà?

Hà Hiển
“Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo.”
Ý nghĩa của câu thành ngữ dân gian này là gì thì khỏi phải bàn gì thêm vì tự nó đã nói lên tất cả
Tôi chỉ muốn nói rằng câu thành ngữ này chỉ đề cập trực tiếp đến những mối quan hệ rất cụ thể: cha, mẹ – con cái, chủ nhà – con vật có thể được coi là trung thành nhất với người là con chó. Vì câu này đề cập đến mối quan hệ giữa những chủ thể rất cụ thể mà ngoài chúng ra thì khó có  các chủ thể nào khác tương đương để so sánh, nên khi dùng nó để ám chỉ bất kỳ  mối quan hệ  nào khác thì phải hết sức cẩn thận.
Nếu các bạn không đồng ý với tôi về điều này thì các bạn cứ đưa ra ví dụ về các mối quan hệ tương đương với các chủ thể này đi. Nào, theo các bạn thì cái gì là tương đương với mối quan hệ rất thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái? Tương tự như thế, nếu các bạn cho rằng có một mối quan hệ tương đương giữa “chủ nhà” và “chó” trong vế sau của câu trên thì trong thời đại văn minh này liệu các bạn có dám đưa ra các ví dụ ai là “chó”, ai là “chủ nhà” ngoài  “chó” và “chủ nhà” thực sự theo đúng nghĩa đen của nó (vì lấy đâu ra nghĩa bóng mà so sánh).
Thế mà trên báo chí, vẫn có những nhà lý luận của ta, khi phê phán người này người khác vì khác quan điểm với họ, thường dẫn câu thành ngữ dân gian này ra để miệt thị và xúc phạm những người không cùng quan điểm với mình. Tôi còn nhớ có nhà báo rất nổi tiếng cũng dẫn ra câu đó khi phê phán LM Ngô Quang Kiệt sau khi đã tùy tiện cắt xén lời phát biểu của ông cách đây vài năm.
Gần đây nhất, trên trang Anh Ba Sàm, khi bình luận về việc sinh viên Nguyễn Anh Tuấn gửi  thư  choVKSNDTC  liên quan đến vụ xử LS Cù Huy Hà Vũ , một  còm sỹ có nick name là NPB Nguyễn Hòa cũng phán câu đó khi chỉ trích hành động của sinh viên Tuấn.
Chưa bàn đến hành vi của chàng sinh viên này đúng sai ra sao, nhưng trong toàn bộ lá thư của Tuấn, tôi chẳng thấy dòng nào em chê cha mẹ em nghèo khổ cả, cũng không thấy có dòng nào đề cập đến con chó nào hay ông bà chủ nhà nào trong lá thư ấy.
Vì lá thư của Tuấn là kiến nghị của một công dân, và trong đó đề cập đến cả những vấn đề của Tổ quốc, nhân dân có liên quan đến nhà nước, nên tôi buộc phải suy đoán là còm sỹ NPB Nguyễn Hòa muốn ám chỉ đến những mối quan hệ giữa các chủ thể này khi dẫn ra câu thành ngữ trên.
Nếu vậy thì ai là cha mẹ, ai là chủ nhà và “ai” là chó để có thể so sánh tương đương với những chủ thể trên?
Trước hết nói về cha mẹ. Trong số các chủ thể này, “Tổ quốc” được ví với “cha mẹ” nghe ra cũng không nghịch nhĩ  lắm. Nhưng cứ giả thiết còm sỹ Hòa ví Tổ quốc như cha mẹ thì trong toàn bộ lá thư của Tuấn, tôi cũng không thấy em viết 1 chữ nào chê bai Tổ quốc cả để có thể lên lớp với em rằng “con không (được) chê cha mẹ khó” . Còn đưa phạm trù quan hệ “Chó – Chủ nhà”  vào mối quan hệ giữa Tuấn và Tổ quốc thì lại càng không tương thích và xúc phạm  Tuấn.
Hay là còm sỹ Hòa dùng câu thành ngữ này để ám chỉ  mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, trong đó có Tuấn? Nếu vậy thì giữa công dân và Nhà nước ai là con, ai là cha mẹ? Về điều này thì Bác Hồ đã nói ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập rằng nhà nước, chính quyền không phải là cha mẹ dân, thậm chí Bác nói rất rõ rằng chính quyền phải là đầy tớ của nhân dân. Các nhà lãnh đạo của ta cũng thường nói Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nói thế cũng chẳng khác gì bảo là dân đẻ ra Nhà nước. Và nếu thế thì trong mối quan hệ với nhà nước, với chính quyền, dân hoàn toàn có thể được gọi là “cha mẹ”.  Thế thì câu “con không chê cha mẹ khó”  mà còm sỹ Nguyễn Hòa đưa ra để nhắc nhở phê phán em Tuấn hóa ra là theo hướng ngược lại với ý của Bác Hồ à? Nếu giả thiết rằng bây giờ còm sỹ Hòa có lý do chính đáng để nhận thức lại rằng điều Bác Hồ nói bây giờ không đúng nữa và chính quyền phải là cha mẹ,  dân là con thì mới đúng, nếu cứ cho là thế thì cái câu “con không chê cha mẹ khó” cũng không áp được vào tình huống này, vì nếu so với dân (con) thì Nhà nước (cha, mẹ) mà đại diện cụ thể là các ông các bà lãnh đạo, có ông bà nào nghèo khó đâu mà chỉ có các con dân là nghèo là khó thôi!  Nếu dân có chê thì chỉ chê nhiều ông nhiều bà quá giàu mà để cho dân cứ nghèo khổ lam lũ mãi, chứ nếu các ông, các bà mà nghèo thì dân không thương thì thôi, chứ ai dám chê bai gì!  Thôi chẳng dám bàn đến vế sau – “Chó không chê chủ nhà nghèo” nữa vì những “chủ thể” này nó “nhạy cảm” quá! Chỉ muốn nói thế này cho nó nhanh: cái thời chiếm hữu nô lệ đã qua lâu rồi, trong một xã hội được gọi là “dân chủ, công bằng, văn minh” thì không được phép tồn tại bất cứ mối quan hệ nào giữa người và người giống như giữa “chó” và “chủ nhà”!
Tóm lại là nói ngược xuôi theo kiểu nào cũng thấy việc các nhà lý luận của ta áp dụng câu này trong bất cứ tình huống nào từ trước đến nay cũng đều không ổn. Xin các vị đừng quen mồm bạ đâu nói đấy, ăn theo, nói leo nữa mà trước khi nói gì thì nên  chịu khó NGHĨ cái đã!