Độc quyền nhóm
Có gì mà ú ớ...lí luận chính trị với kinh tế cho um lên !! chúng ta đang bị cướp ! trắng trợn và thô lổ !!! có giấy tờ có tổ chức...nhưng phải nói là chúng ta đang được...phục vụ ! _ Nhờ Ơn trên !đó là một phép "biện chứng"!!!theo thanhnien :
Độc quyền nhóm
Lợi nhuận năm 2013 của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tăng gần 80% so với năm trước, đạt gần 9.270 tỉ đồng. Lợi nhuận của Viettel còn "khủng" hơn, gấp 3 lần VNPT, đạt 26.400 tỉ đồng.
Con số lợi nhuận cực lớn trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) công bố việc các mạng này đã âm thầm thu lén cả trăm tỉ đồng của khách hàng. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu lợi nhuận của các nhà mạng có được từ việc "móc túi" người tiêu dùng?
Có lẽ, chỉ sau khi có công bố của Thanh tra Bộ TT-TT, nhiều người mới "vỡ lẽ" vì sao tiền cước điện thoại của mình thời gian qua bỗng dưng bị đội lên một cách khó hiểu như vậy. Cũng vì thế, sử dụng điện thoại di động giờ đây khiến hàng triệu khách hàng cảm thấy hồi hộp. Chỉ cần vô tình, vì không biết, vì thiếu cảnh giác... lỡ tay "bấm" một dịch vụ tích hợp có sẵn nào đó, họ sẽ bị thu tiền ngay. Chuyện này rất khó tránh, khi những dịch vụ “ẩn” cũng được các nhà mạng "âm thầm" cài sẵn trên sim mà không hề cảnh báo và cũng không niêm yết giá rõ ràng. "Chiêu" như vậy giúp các nhà mạng thu gần 200 tỉ đồng trong vòng 1 năm qua. Trước đó, cũng với chiêu mập mờ, một số gói cước dịch vụ 3G đối với những khách hàng sử dụng trả trước trên USB 3G, máy tính bảng... cũng bị tăng giá tới hơn 300%. Với mức tăng chóng mặt, theo tính toán mỗi tháng nhà mạng thu tới 500 - 600 tỉ đồng. Rồi thu tiền từ tin nhắn lỗi, tin nhắn không đến nơi... Nói thế để thấy, phần đóng góp oan uổng của người tiêu dùng vào con số lời khủng nói trên là không hề nhỏ.
Kể từ khi các doanh nghiệp viễn thông "bắt tay" cùng tăng cước thuê bao 3G cách đây khoảng 2 tháng, trên mạng đã có "Hội những người tẩy chay 3G". Trên thực tế, cũng có rất nhiều người đã chính thức "cắt" dịch vụ này để phản ứng kiểu kinh doanh thiếu sòng phẳng của các nhà mạng. Thế nhưng, ngay cả khi thực hiện quyền lực lớn nhất của mình là quyền tẩy chay, người tiêu dùng vẫn đang bị xâm phạm và thiệt thòi lớn. Đó là vì 3 nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone đang chiếm hơn 95% thị phần viễn thông di động cả nước. Không sử dụng dịch vụ 3G của họ, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác. Rất nhiều người vì công việc, buộc vẫn phải dùng dù giá cao đến bao nhiêu. Tương tự, dù rất bức xúc trước việc bị lén thu tiền từ việc mập mờ các dịch vụ tích hợp trên sim, người tiêu dùng vẫn buộc phải dùng các nhà mạng này.
Khi người tiêu dùng không có sự lựa chọn thay thế, thị trường không còn tính cạnh tranh. Đây là thực trạng thị trường viễn thông VN hiện nay. Điều đáng nói là nếu khoảng 10 năm trước, người dân vô cùng hân hoan bởi sự tham gia của Viettel đã phá vỡ thế độc quyền của VNPT trên thị trường viễn thông thì giờ đây, họ lại một lần nữa phải đối mặt với tình trạng "độc quyền nhóm" khi thị trường đang thuộc về 3 "ông lớn" này.
Ngành viễn thông đã nối dài danh sách các ngành độc quyền, đó là tình trạng độc quyền nhóm. Và độc quyền nào cũng dẫn tới một kết cục giống nhau, doanh nghiệp lãi lớn còn người dân buộc phải mua sản phẩm, dịch vụ với giá cắt cổ.
Nguyên Hằng