Bác Trọng nói câu nào cũng dzui ghê!
Hạ Đình Nguyên
“Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”.
(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Báo Tiền Phong).
Dân nhậu Sài Gòn thường hay đẩy đưa cuộc lai rai của mình bằng những chuyện tiếu lâm mặn nhạt đủ kiểu. Khi thì chuyện chăn gối oái ăm dở khóc dở cười, khi thì chuyện mèo chó cắn nhau, cũng có khi là mạn đàm linh tinh thế sự. Nhưng xem ra chuyện nào cũng có tính biện chứng nghiêm túc cả, lại cũng rất là “xem xét” đảm bảo cái “bình tĩnh-tỉnh táo-sáng suốt” chứ chẳng dám coi thường.
Nhưng cái chất gây cười ở quy mô “đại cục” bao trùm cả nước, có khi là vượt biên giới quốc gia, thì không ai hơn bác Trọng. Phải nói thế! Vì không thể nói khác, bởi “xem xét” về mặt “khoa học và biện chứng” của bác, thì quả là vô đối! Khi nghe bác nói, lời nào cũng đều thâm thúy đến tím ruột bầm gan, rồi nó đọng lại trong tâm, nó nung nấu một hồi, rồi lại bật ra tiếng cười sảng khoái, dù lúc đang ăn dở bữa, hoặc có khi là giữa đêm hôm khuya khoắt.
Nghe lời bác, ai ai cũng thấm nhuần cái lẽ biện chứng ở đời, ở ngay trong thân thể của mình và ở mọi sự vật, từ chuyện trong nhà đến chuyện quốc gia đại sự, không trật đâu cả! Biện chứng, biện chứng nữa, và biện chứng mãi. Không được buông lỏng, vì nó là khoa học, phải khoa học nữa, và khoa học mãi. Và như thế, để có được biện chứng, phải có bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt. Và ngược lại, để có những cái này, thì mới có được cái kia. Vâng, đây là mối quan hệ biện chứng giữa biện chứng với sự bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt. Ai đó thật đáng tiếc, nếu không hiểu được điều này.
Ít nhất, tôi học lóm được hai lần bác vận dụng cái phép biện chứng này vào sự nghiệp tham nhũng và sự nghiệp chống tham nhũng. Chống tham nhũng và tham nhũng đều có cái phép biện chứng riêng của nó. Cơ bản là thế này: Chống tham nhũng, lại phải biết nuôi tham nhũng. Nếu không nuôi nó, nó chết, thì lấy đâu mà chống, sự nghiệp chống tham nhũng phải chịu bế tắc sao? Về tham nhũng thì phải biết cách tham nhũng, sao cho đúng quy trình, đúng quy định, có thế thì sự nghiệp tham nhũng mới tồn tại lâu dài được. Phương pháp tổng thể trên cả nước là thế này: Toàn thể bộ máy phải chia làm hai phe, một phe tham nhũng và một phe chống tham nhũng. Trong mỗi phe lại chia làm hai phe y như thế. Và trong mỗi người, cũng phân thân làm hai, cùng lúc thực hành nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ quan trọng ấy: vừa tham nhũng, vừa chống tham nhũng. Biện chứng là ở chỗ nó mâu thuẫn nhau về hình thức, nhưng bản chất nó dựa vào nhau mà tồn tại. Đất nước sẽ phát triển, nhân dân sẽ phồn vinh, chắc chắn là thế. Trong sự bùng nhùng quyết liệt này, trí tuệ quan dân sẽ đầy sáng tạo. Bác Trọng sẽ nhận trách nhiệm điều phối phép biện chứng tổng thể, để mọi việc của quốc gia ổn định, đâu ra đấy.
Dân chúng chẳng hiểu biết gì về biện chứng, mà la ó chuyện tham nhũng và chống tham nhũng, là không được bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt cho lắm, nên rất cần phải xem lại về mặt khoa học. Bác khẳng định cho toàn dân biết những nguyên lý không ai được chối cãi: Tham nhũng là do tiền, cũng như cháy chợ, xí nghiệp, hay nhà cửa đều do lửa, phố phường bị ngập là do nước, quan chức thiếu tiền vì thiếu công trình. Công trình phải bắt nguồn từ đất đai, nên đất đai phải được nhà nước quản lý, tức là điều phối vậy thôi. Nếu không, lấy đâu ra mà chi phí cho cả bộ máy khổng lồ này! Người dân không hiểu gì lại thắc mắc là bộ máy cồng kềnh, bác thừa nhận một cách khoa học: Vâng, bộ máy cồng kềnh! Người dân hỏi sao tham nhũng tràn lan, bác nói vâng, sờ đâu cũng thấy… Người dân nói bức xúc quá, bác nói, ờ, khó chịu như ngứa ghẻ. Khách quan là chỗ đó, dù bác là người có vai vế không nhỏ trong cuộc cờ. Vì khoa học là khách quan, còn trách nhiệm thì không thuộc phạm trù biện chứng ở đây. Mọi chuyện nên bình tĩnh, sáng suốt như bác, là xong hết. Như cái vụ “hôi bia” ở Đồng Nai, làm cho tài xế khóc rống, báo chí có cơ hội tha hồ phê phán đám “dân xấu”, cũng mặc nhiên làm cân bằng dư luận về “quan xấu”, phải nhìn ra cái biện chứng ấy. Dù sao, nói theo khoa học và biện chứng thì phải thừa nhận một cách khách quan, “hôi bia” là cướp giật “không đúng quy trình”, chỉ thế thôi! Thật đáng tiếc, cứ bắt chước ở trên rồi làm theo mà chẳng hiểu gì cả! Cho nên, phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về cướp giật. Dù sao, các báo giấy cũng không nên đi quá, vì “hôi bia” cũng để uống chơi thôi, làm gì dữ vậy, sao bằng chuyện “hôi lý thuyết”, “hôi tư tưởng”. Xa lắc, còn đem về được; lâu hoắc còn đem xài được, đâu cần sáng tạo ra, chỉ bắt chước rồi xem xét, sửa tí đỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của nước ta. Cho nên: Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về xem xét.
Vừa rồi, bác chỉ ra một cách rất khoa học, chuyện ở ngay cái kinh đô của Phật, ông trùm giữ kinh Phật còn tham nhũng cái bình bát của Tam Tạng mới chịu giao kinh, huống là…! Tham nhũng là quy luật khách quan, là bản chất con người rồi còn gì! Quan xấu được một dịp củng cố thêm lập trường vững chắc. Dân nhãi nhép đành cứng miệng, vì sự bí hiểm của nó..
Nhưng dân nhậu thì không, họ vẫn biện chứng được, theo cho kịp cái “trình” ở trên, họ cho rằng thí dụ này là rất hùng hồn theo phép biện chứng cấp cao: lấy hiện thực nương vào tưởng tượng, lấy đời sống nương vào tiểu thuyết, và ngược lại, lấy tiểu thuyết, tưởng tượng soi sáng cho đời sống và hiện thực, đó là phép trộn nó vào nhau để thành ra cái đại cục. Mà cái đại cục thì ở trong tay ta, ta vo bóp thế nào chả được. Cái biện chứng độc đáo cao cấp ở đây là gì ? Là hiện thực sinh ra lý luận, là từ đời sống cụ thể mà có nó. Cho nên ý tưởng, tiểu thuyết hay lý luận cũng là hiện thực, là cụ thể cả. Vì thế, học thuyết mà ta theo đuổi, dù đến cuối thế kỷ nó có hoàn thiện hay không, cũng chẳng sao, nó như nhau cả, dù tưởng tượng hay hiện thực, cứ hãy tiến lên. Cách gọi bình dân dễ hiểu của dân Nam bộ là cái biện chứng cối xay.
Tuy nhiên, dân nhậu Sài Gòn chỉ đem chuyện Đường Tăng bị trấn lột cái bình bát ra làm chuyện đưa đẩy lai rai đỡ buồn, chọc cười nhau thôi, chứ thật ra, rất “bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt” để hiểu rằng, động thái thu cái bình bát là đẩy tới chỗ rốt ráo cái “không tướng” trong nhắc nhở cuối cùng tuệ giác của Đường Tăng.
Có người nhắc nhở, xem xét chuyện Đường Tăng thỉnh kinh, cũng phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về sự bình tĩnh, tỉnh táo, và sáng suốt nữa đấy!
Trên đây chỉ là một câu nói vừa ngắn vừa nhỏ của bác Trọng, chứ nếu kể ra, bất cứ câu nào của bác cũng dzui ghê.
Ước chi mà được cùng lai rai với bác ở đâu đó, ở bờ Hồ Gươm nổi tiếng, hay kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đậm màu sắc bình dân đều được cả, chẳng nề hà chi! Chắc là rất dzui.
Thỉnh thoảng bác thả ra vài câu là dân nhậu cả nước dzui suốt năm. Mà chắc là các quan cũng thấy dzui!
Đúng thật đấy, “phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”. Hay quá!, Môn học này là một đặc sản duy nhất ở Việt Nam ta có. Cảm ơn bác! ./.
H. Đ. N.