TS Alan Phan: Gói 30.000 tỷ là một chiêu PR?
(Bài phỏng vấn tôi phải biên tập lại cho rõ ràng. Xin đọc bản viết dưới đây)
TS Alan Phan, chuyên gia kinh tế cho biết, gói 30.000 tỷ chỉ là một chiêu PR. Vấn đề lớn nhất của bất động sản hiện nay là vấn đề giá cả. Hoặc thu nhập người dân sẽ tăng hoặc giá bất động sản phải giảm; nếu không tình trạng bất động sản đóng băng sẽ tiếp diễn trong năm 2014, 2015, 2016…
“Đóng băng” đến năm 2016?
PV: - Về mặt quản lý nhà nước, gói 30.000 tỷ được kỳ vọng như liều thuốc cứu bất động sản. Trong suốt quá trình triển khai, Bộ Xây dựng liên tục đưa ra các đề xuất nới điều kiện cho vay, mở rộng đối tượng vay, cho phép chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội… Tuy nhiên, thất bại của gói 30.000 tỷ đã nhìn thấy rõ.
Theo ông, những biện pháp giải cứu bất động sản năm qua đã thực chất chưa, đã xử lý được vấn đề của bất động sản Việt Nam chưa?
TS Alan Phan: - Theo tôi, gói 30.000 tỷ là một chiêu PR vì thực tình không ai muốn bỏ tiền ra như “muối bỏ biển” nhất là thời điểm đang phải ráo riết truy thu thuế, ngân sách đang thiếu hụt, các dự án khác mang nhiều ưu tiên hơn… Tóm lại, , rất nhiều thứ để chi, cho 30.000 tỷ đưa vào bất động sản chẳng đi đến đâu vì ngân hàng đang ôm khối nợ xấu bất động sản gấp chục lần.
Tôi tin là gói 30.000 tỷ, như một PR, có mục đích chính là tác động tâm lý thị trường và người dân để kích cầu; cũng như một thủ thuật chính trị để yên lòng các nhà đầu tư BDS. Do đó, giới chức giải ngân đã đặt rất nhiều điều kiện và luôn thay đổi nên khó ai có thể tiếp cận được
Thực ra, nếu muốn giúp người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội sẽ dễ thôi, ai đủ khả năng, điều kiện để giúp đỡ, thì sẽ được cấp giấy, phiếu bảo đảm.. ra ngân hàng làm thủ tục, vay tiền. Số tiền nhiều ít tùy từng trường hợp cụ thể của mỗi hộ dân; chánh phủ không cần liên quan đến việc xét hồ sơ vay hay đưa qua các nhà xây dựng chủ dự án. Chỉ 3 ngày sẽ hết ngay 30.000 tỷ. Còn 300 ngàn tỷ chắc mất 3 tháng. Vấn đề muốn làm thì dễ, còn đây không ai muốn thực làm.
Khi chánh quyền dính đến kinh doanh, họ biến thành một phần của doanh nghiệp chứ không còn là cơ quan kiểm soát. Họ tìm cách để các thành viên khác bán được hàng. Dĩ nhiên, điều này không đáng ngạc nhiên khi mà nền kinh tế Việt Nam không phải là kinh tế thị trường.
PV: - Xin ông cho biết, kịch bản cho thị trường bất động sản sắp tới sẽ như thế nào, bất động sản sẽ đổ vỡ rồi phục hồi hay phải chạm đáy rồi phục hồi dần?
Theo ông, biện pháp nào có thể giải cứu thị trường bất động sản sắp tới? Nhà đầu tư có nên kỳ vọng vào thị trường bất động sản năm 2014?
TS Alan Phan: - Vấn đề bất động sản ở Việt Nam không phải là vấn đề nhu cầu vì nhu cầu rất lớn, cũng không phải là vấn đề người dân không có tiền, tiền của dân rất nhiều dù bất cứ phân khúc nào.
Vấn đề của bất động sản là vấn đề giá cả. Giá thị trường còn cao vì các công ty địa ốc luôn nói giá như vậy là sát lắm rồi, không thể bán dưới giá vì sẽ lỗ. Nhưng nếu lỗ thì ai bắt ông kinh doanh ? Vấn đề lỗ lãi là vấn đề của doanh nghiệp, giá thị trường là giá thị trường người dân thấy đúng giá họ sẽ mua, không đúng giá họ sẽ chê.
Những người sản xuất bất động sản họ nhất định không xuống giá trong khi thu nhập của người dân giỏi lắm chỉ tăng khoảng 10% trong vòng vài năm tới. Giá bất động sản còn xa cách như vậy thì thị trường sẽ không có gì thay đổi. Thị trường không lên không xuống mà sẽ đi ngang.
Sẽ không có bất kỳ sự chuyển động nào của thị trường bất động sản đến khi 1 trong 2 điều xẩy ra: thu nhập của người dân tăng hoặc giá bất động sản giảm. Không cần giải pháp của nhà nước hay bất kỳ ai, hãy là để thị trường lo liệu, vừa mua thuận bán..
Nếu không có gì thay đổi về giá cả thì tình trạng bất động sản sẽ đóng băng cho đến năm 2014, 2015, 2016… Nếu doanh nghiệp muốn bán phải giảm giá, bán tống, bán tháo sẽ có người mua ngay.
Lợi ích đằng sau những dự báo thị trường
PV: - Thời gian vừa qua, nhiều công ty nghiên cứu thị trường đưa ra những dự báo thị trường sai, có lợi cho doanh nghiệp mình. Ông bình luận như thế nào về hiện tượng này? Liệu có sự làm ngơ để cứu vãn bất động sản bằng mọi giá trong trường hợp này không, thưa ông?
TS Alan Phan: - Điều này xảy ra trên khắp thế giới, doanh nghiệp bỏ tiền ra để thu lợi nên bất cứ chiêu PR nào cũng đều có mục đích đằng sau; có khi là mục đích dài hạn có khi là mục đích ngắn hạn, có khi họ cải trang là nghiên cứu thị trường. Nhưng thực chất trong nền kinh tế thị trường , doanh nhiệp nào cũng phải có mục tiêu, lộ liễu hay che dấu, để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
PV: - Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, chưa có dự án nhà ở nào giảm giá trên địa bàn Hà Nội, thông tin giảm giá chỉ có trên các báo cáo. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phản pháo Chủ tịch Hà Nội, tiếp tục khẳng định các dự án bất động sản năm vừa qua đã giảm giá mạnh, nhiều dự án giảm 50% về mức giá của năm 2006. Ông bình luận như thế nào về 2 ý kiến trái chiều trên?
TS Alan Phan: - Tất cả những số liệu thống kê của Việt Nam luôn bị bóp méo theo lợi ích nào đó. Người ngoài cuộc khó có thể kiểm chứng được vì bên nào cũng đều muốn che giấu mục tiêu trong một thị trường ảo. Con số chính xác gần như không hiện diện.
Thứ hai, bất cứ ai khi tuyên bố điều gì đều phải xem lại mục đích đằng sau của mỗi tuyên bố. Tôi không quan tâm ai nói thế này, ai nói thế kia nhưng những người đó họ chắc chắn sẽ có những mối lợi khi nói những điều này.
Ở Mỹ hay các quốc gia khác đều có những công ty hay cơ quan độc lập không thuộc về chính phủ hay những công ty địa ốc kể cả là người tiêu dùng, để đưa ra những phân tích thống kê. Họ lấy dữ liệu từ 40-50 nơi khác nhau như từ ngân hàng, từ báo cáo mua bán, hồ sơ xây dựng, từ đăng ký chủ quyền, các chánh phủ địa phương… và tổng hợp lại, sau khi loại bỏ những con số khác thường (outliers).
Không lệ thuộc vào ai thì người tiêu dùng mới tin được. Còn bạn vừa bán hàng vừa nghiên cứu thì khó ai tin.
PV: - Có ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng đã lạc quan khi đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, ông có đồng tình với quan điểm này hay không?
TS Alan Phan: - Ở Mỹ, họ không hề có Bộ Xây Dựng vì các luật lệ về hành chính, tài chính, an toàn, pháp lý… thường do các chánh phủ địa phương quản lý. Các thanh tra nắm chặt chẽ tình hình hơn vì họ có thể tiếp cận, theo dõi, xử phạt …ngay tại chỗ, rất tiện lợi. Chính quyền không dính dáng đến việc kinh doanh xây dựng. Ở Việt Nam, Hiệp hội BDS, xây dựng đều có Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch, Phó chủ tịch tức là bằng hình thức nào đó, chánh quyền liên quan rất mật thiết đến doanh nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!