SỰ LỰA CHỌN KHI HÃNH DIỆN HAY XẤU HỔ?
Alan Phan
29/10/2013
Một người hãnh diện luôn “nhìn xuống” vật thể và người
khác ; do đó, khi nhìn xuống, chúng ta không thể thấy bất cứ điều gì “bên trên”
chúng ta (A proud man is always looking down on things and people; and, of
course, as long as you are looking down, you cannot see something that is above
you – C.S. Lewis)
Vài bạn đọc gởi đến tôi một bài viết có tựa đề là, “Đâu
Là Nơi Duy Nhất Người Việt Nam Không Bị Khinh Bỉ”, của một tác
giả Việt Kiều. Sau khi chu du khắp thế giới và chịu đựng những khinh miệt vì lỡ
“làm” người Việt, kể cả ở VN nơi mà các ông bà ba lô Mỹ trắng được yêu chuộng
hơn, tác giả mới khám phá ra nơi duy nhất mà người Việt không bị khinh miệt là
xứ Mỹ.
Bài viết chứa đựng những chi tiết khá chuẩn xác và phổ
thông, mà mọi người đều đã cảm nhận không ít thì nhiều khi tiếp cận với thế
giới bên ngoài. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng những vụ việc kể lại có thể nhìn
qua một lăng kính khác, mà không cần đem yếu tố dân tộc liên quan vào.
Cho tôi vắn tắt: những khinh khi rẻ rúng mà các bạn Việt
thường xuyên gặp phải, vốn bắt nguồn từ những nguyên nhân đơn giản trong đời
sống hàng ngày của nhân loại qua nhiều thời đại; chứ không phải là một hiện
tượng đặc thù của dân tộc ta.
Tự hào ngược đời
Tuy nhiên, trước khi phân tích các yếu tố này, tôi muốn ghi
nhận một nghịch lý (có lẽ là một phản ứng thì đúng hơn). Đó là càng bị chê bai
khinh thị, con người càng bị tự ái làm mờ mắt và “chảnh” hẳn ra, ngôn ngữ thời
đại gọi là “lòng tự hào” đi quá đà về mặt tâm thần (đến tận đỉnh cao). Thắng
được một giải bóng đá do hãng bia địa phương tổ chức là sẵn sàng để vào chung
kết với Brasil trong World Cup năm tới. Vừa được 2, 3 tờ báo lề phải gọi là
siêu sao (mà mình phải bỏ tiền cho chúng viết) là mang niềm tin chắc nịch về
vương miện Miss Universe đang thiết kế cho mình. Tôi còn nhiều thí dụ rất thú
vị, nhưng dành cho các BCA “còm” chơi, và cũng vì không muốn chạm tự ái của ai.
Một yếu tố khác mà tác giả ghi nhận là chỉ có ở xã hội Mỹ,
con người Việt của ông mới không hề bị xúc phạm. Thực ra, trong một quốc gia
luôn thượng tôn pháp luật như tại Mỹ, việc kỳ thị chủng tộc là một hành vi phạm
pháp. Thêm vào đó, từ hồi luật nhân quyền (civil rights) được ban hành (1964),
xã hội Mỹ đã biến cải rất nhiều trong tâm thức người dân về chủng tộc hay tôn
giáo. Khi dân Mỹ chọn Obama làm Tổng Thống, gần như trang sử Mỹ về kỳ thị mầu
da coi như đã khép lại. Nhưng không có nghĩa là người dân Mỹ không kỳ thị.
Mặc dù cảnh sát Mỹ luôn gọi mọi người là “sir” (ngài), các
tội phạm vẫn thường xuyên bị dùi cui mỗi khi “khó bảo”. Trong mắt nhân viên
công lực Mỹ, tỷ lệ phạm pháp của dân da đen hay dân gốc Mễ rất cao, do đó đây
là thành phần cần được nhắm tới (targeted) trong công vụ hàng ngày. Họ hoàn
toàn không kỳ thị chủng tộc (một bộ phận không nhỏ lập gia đình với người Mỹ
đen hay gốc Mễ), nhưng cách đối xử của họ với dân đen hay gốc Mễ chắc chắn là
“rough” so với một anh chị Mỹ trắng.
Việt cồ hay vịt con?
Quay lại những yếu tố mà tôi cho là làm người Việt cảm thấy
bị khinh miệt, tôi có thể suy ngẫm ra…vài điều sau đây. Xin nói rõ là trong bài
“phiếm luận” này, tôi không hề vơ đũa cả nắm; bởi vì những thành quả vẻ vang
của nhiều cá nhân Việt là một sự kiện không ai chối bỏ.
1. Nghèo là một cái tội
Dĩ nhiên, nghèo không phải là một “tội”; nhưng gần như khắp
thế giới, nghèo vẫn bị coi như là “đáng xấu hổ”. Cái thước đo “nhân cách” con
người, tốt hay xấu, thiện hay ác, không liên quan đến chuyện giầu nghèo, nhưng
nhân loại vẫn thích đem yếu tố này vào để xác định. Do đó, nếu đã đồng ý là
“dân giàu nước mạnh” thì đừng ngạc nhiên khi các quốc gia và dân tộc láng giềng
cho chúng ta là “dưới kèo” vì cái con số GDP mỗi đầu người không dấu ai được.
Ông bà ta có dậy rằng “nghèo cho sạch, rách cho thơm” nhưng
nếu chúng ta mở rộng đầu óc hơn để tập làm “giàu mà sạch, lành mà thơm” thì
chúng ta đã có thể thay đổi khá nhiều cho nhân cách và giá trị của con người
Việt.
2. Kiến thức tụt hậu
và suy thoái
Rất nhiều bạn trẻ khi lập gia đình hỏi tôi về điều kiện bền
vững nhất trong một hôn nhân về lâu về dài? Tôi nói,” đừng bao giờ lấy một
người ngu…nhất là khi người ngu ấy rất “kiên định” về lập trường ngu của
mình…”. Tình yêu, sắc dục, tiền bạc, danh giá và ngay cả nhân cách có thể bị
phai mờ biến thể…nhưng kiến thức thì ngàn đời. Nhất là trong thời buổi của tiến
bộ vượt tốc…những gì nhân loại nắm biết trong 50 năm vừa qua nhiều hơn cả 5
ngàn năm trước đó.
Khi tóc đã điểm sương, con cái đã rời tổ ấm, của cải danh
tiếng đã trôi đi cùng dâu biển…không gì tệ hại hơn là ngồi tỉ tê tâm sự với một
cái đầu đất. Do đó, khi các bạn trên thế giới nhìn mình với cặp mắt thương hại
…vì một sự ngu dốt tập thể…thì ít nhất cũng nên biết đau xót…thay vì hãnh diện
ngược đời.
3. Thường xuyên phạm
luật
Như những nhân viên công lực Mỹ đã bàn qua bên trên, khi họ
phải đối diện hàng ngày với những vi phạm pháp luật từ một thành phần dân số,
họ sẽ xếp loại nhanh chóng thiểu số này để đối phó cho hữu hiệu. Tại các quốc
gia mà “pháp luật nằm trong tay cảnh sát” thì cách đối xử với người Việt quả là
có sự khác biệt: các tin tức về nạn ăn cắp tại các cửa hàng bên Nhật; tình
trạng trồng và buôn bán ma túy tại Úc và Canada; các tổ chức xã hội đen tại Âu
Châu; trốn thuế lường gạt tại Mỹ…là những hành động của thiểu số nhưng mọi
người Việt phải trả giá…
Nếu khi đi qua cửa di trú hay hải quan mà bị “chận” lại vì
mang hộ chiếu Việt, chúng ta nên hiểu là đồng hương chúng ta phạm luật hơi
nhiều, nên các cơ quan công lực phải lưu tâm. Tôi không nghĩ là người Nhật hay
Singapore yêu hay ghét người Việt, họ chỉ hành xử theo thói quen mỗi ngày.
4. Bị ảnh hưởng Trung
Quốc quá đậm
Cũng cùng chịu ảnh hưởng của văn minh Khổng Mạnh Lão, nhưng
dường như người Việt đồng hóa với người Hán nhiều hơn là các dân tộc Hàn Quốc,
Nhật Bản hay Mông Cổ. Thú thực, nếu bịt tai và tình cờ thức giấc tại một tỉnh
nhỏ ở miến Bắc, tôi sẽ nghĩ mình đang ở một tỉnh nào bên Trung Quốc. Hiện nay,
trên khắp thế giới, các chú “con Trời” không được ái mộ cho lắm vì lối xử sự
hơi “nhà quê” dù mang tiếng là công dân của một siêu cường.
Do đó, nếu thiên hạ cho mình là những chú “Mao con”, thì
phải ráng mà bắt chuột thôi. Mèo đỏ, mèo đen…mèo gì thì cũng là mèo.
Có thể có những yếu tố khác ngoài 4 yếu tố trên để giải
thích sự kiện này. Có thể vì chúng ta nhiều anh hùng quá, nên nhân loại ganh tị
và bầy trò thử thách? Có thể vì đất nước này tiền rừng bạc biển, nên nhân loại
không chấp nhận để mình “xin-cho” mãi? Dù sao, tôi nghĩ là hiện tượng này còn
kéo dài trong vài thập kỹ nữa vì chúng ta rất “kiên định” trong việc xây dựng
một thiên đường mới (hay là một nhà thương điên?)
Vẫn do ta chọn lựa
Tôi chỉ xin chia sẻ với các bạn trẻ là đừng bực bội hay thất
vọng. Vài chục phút bị rẻ rúng có thể là động lực bắt chúng ta cố gắng nhiều
hơn để hoàn thiện bản thân mình. Nghĩ cho cùng, chỉ những anh chị đầu đất mới
quan tâm là mình từ đâu “rớt ra”. Chúng ta chỉ nên lưu ý đến những chỗ chúng ta
“cho vào”? Vì rớt ra là một tai nạn tình cờ của vài nguyên tử trong vũ trụ. Còn
cho vào là một sự lựa chọn hoàn toàn có chủ đích. Chúng ta không được chọn tổ
quốc hay gia đình hay nguồn cội; chúng ta chỉ phải chọn nhân cách, kiến thức và
thành quả.
Tấm gương mình tự soi mặt mỗi sáng là niềm tự hào hay xấu
hổ. Hình ảnh mình trong cặp mắt người khác chỉ là thoáng qua.
Alan Phan