Không thể lấy tiền thay nghĩa vụ'
Cập nhật: 17:01 GMT - chủ nhật, 24 tháng 11, 2013
Đề xuất cho phép nộp tiền thay thế làm nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam có thể là một chủ trương bất khả thi vì đi ngược lại giá trị, truyền thống và tinh thần giữ nước của dân tộc, theo ý kiến của nhà quan sát ở trong nước.
Chủ trương này là một điều bất bình thường và có thể gây nguy hiểm cho Việt Nam trong tình hình nước này phải đối phó với nhiều nguy cơ bị nước ngoài dòm ngó về mặt an ninh và lãnh thổ, trong khi xương máu và tinh thần yêu nước không thể được đổi bằng tiền.
Chủ đề liên quan
Quan điểm này được luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội đưa ra khi bình luận về một đề xuất muốn thay đổi quy định trong luật nghĩa vụ quân sự được trình bày trước Quốc hội Việt Nam cuối tuần này.
Trao đổi với BBC hôm 24/11/2013 từ Sài Gòn, ông Thuận nói:
"Chủ trương đó khi đưa ra, dư luận rất phản đối và không đồng tình. Bởi vì có những nghĩa vụ không thể thay thế được và có những nghĩa vụ phải trực tiếp thi hành.
"Đi nghĩa vụ quân sự là một cuộc chiến đấu xương máu để bảo vệ Tổ quốc, mà mọi người phải thi hành, mà người ta gọi là nghĩa vụ thiêng liêng. Bây giờ biến cái thiêng liêng đó thành tiền bạc, thì không biết dựa trên cơ sở nào lại đưa ra một đề xuất không bình thường như thế."
Cũng hôm Chủ Nhật, một nhà nghiên cứu chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) nói với BBC rằng chủ trương này có thể gây ra tranh cãi về cả khía cạnh bình đẳng xã hội lẫn tạo lỗ hổng cho tiêu cực khi tuyển quân.
"Tôi cho rằng đặt vấn đề về nộp tiền là hoàn toàn không đúng, nghĩa vụ quân sự phải bình đẳng như nhau," PGS. TS. Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển thuộc MPI nói.
"Bây giờ người ta đưa cái này vào luật rất nguy hiểm, đưa chủ trương nộp tiền vào, sau đó không phải đi nghĩa vụ quân sự nữa, rồi những người nghèo thì phải đi thay... theo tôi đó là một sự bất bình đẳng rất lớn."
'Phản lại Tổ quốc'
Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh chủ trương thông qua sẽ gây đảo lộn giá trị trong xã hội và cũng cho rằng sẽ tạo thêm một bất bình đẳng trong xã hội.
Ông nói: "Những người đi chiến đấu đánh giặc, lý tưởng đó không biến thành một lý tưởng thiêng liêng, một tinh thần yêu nước, mà thay thế bằng tiền bạc.
"Nghiễm nhiên những người có tiền bạc không bao giờ phải hy sinh cho đất nước, Tổ quốc gì cả, chỉ là hưởng thụ và đứng bên trên, rồi sau đó đi học rồi về làm quan, đè đầu, kéo cổ người khác.
"Tạo nên một phản cảm và một tinh thần giữ nước, bảo vệ Tổ quốc không còn là mệnh lệnh của trái tim, khối óc nữa mà nó trở thành một sự đánh đổi bằng tiền bạc."
Luật sư Thuận cho rằng nếu chủ trương trở thành chính sách, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước "đánh giặc thuê" và trên cơ sở này, ông cho rằng đây là một chủ trương sai lầm.
"Mình đâu có đánh giặc thuê để giữ đất nước của mình. Đó là một chủ trương tôi cho rằng nó rất phản bội, phản lại Tổ quốc, phản lại xương máu của những người đã hy sinh, ngã xuống cho đất nước này."
Phó giáo sư Thọ, về phần mình, bày tỏ quan ngại về hệ lụy gây ra tiêu cực trong xã hội của chính sách.
Ông nói với BBC: "Cái đó sẽ lộ ra rất nhiều tiêu cực trong tuyển quân.
"Về quân đội, sẽ mất đi tính chính quy hiện đại và thậm chí bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng. Người giàu có thể dùng cách đó để thay thế, tiền để thay vấn đề nghĩa vụ, điều đó riêng cá nhân, tôi phản đối.
"Một số gia đình bây giờ mới giàu lên mà con cái của họ đi nghĩa vụ, thì có những trường hợp là vô giá. Có nghĩa là mất rất nhiều tiền để người ta có thể cho con người ta được ở nhà, không đi nghĩa vụ quân sự nữa, hoặc làm những việc này, việc kia," chuyên gia chính sách công nêu quan điểm.
'Nghĩa vụ thay thế'
"Hiện chúng ta có nghĩa vụ công an nhân dân và nghĩa vụ dân quân tự vệ có thời hạn... Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng đó có thể là nghĩa vụ thay thế"
Thiếu tướng Trần Đức Nhã
Hôm Chủ Nhật, một quan chức thuộc Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho báo giới hay khi sửa Luật Nghĩa vụ quân sự, nhà nước sẽ tính tới việc cho phép đóng một khoản tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm bảo đảm 'sự công bằng giữa những người đủ tiêu chuẩn.'
Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban này được tờ BấmNgười Lao Động trích thuật ý kiến nói:
"Hiện chúng ta có nghĩa vụ công an nhân dân và nghĩa vụ dân quân tự vệ có thời hạn.
"Đó có phải là nghĩa vụ thay thế cho nghĩa vụ quân sự (NVQS) không?
"Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng đó có thể là nghĩa vụ thay thế.
"Vậy, với những trường hợp không phải làm gì cả thì có phải thực hiện nghĩa vụ gì không, có phải lao động công ích hay phải nộp một khoản tiền nào đó để góp phần phục vụ cho chính những người thực hiện nghĩa vụ quân sự?"
Theo quan chức này, nghĩa vụ thay thế gồm nhiều hình thức như nghĩa vụ có thời hạn trong công an nhân dân, dân quân tự vệ, nghĩa vụ khác hoặc đóng góp bằng tiền, bằng sức.
"Việc này một số nước cũng đang làm và mình thực hiện thì phải nghiên cứu kỹ để áp dụng cho phù hợp," Tướng Nhã nói với tờ báo Việt Nam