Mỹ sẽ ‘sát cánh’ cùng Ukraine
Cập nhật: 05:13 GMT - thứ năm, 13 tháng 3, 2014
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chào đón Thủ tướng tạm quyền của Ukraine đến Nhà Trắng và cam kết sẽ ‘sát cánh cùng Ukraine’ trong cuộc khủng hoảng của nước này với Nga.
Ông cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng cộng đồng quốc tế ‘sẽ buộc bắt Nga phải trả giá’ nếu nước này không lui quân.
‘Không đầu hàng’
Chủ đề liên quan
Phát biểu sau cuộc hội đàm với ông Obama, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk, nói rằng nước ông sẽ ‘không bao giờ đầu hàng trước Nga’.
“Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc binh lính Nga đặt chân lên đất Ukraine ở thế kỷ 21, vi phạm tất cả thỏa thuận và hiệp định quốc tế,” ông nói.
Trước đó, lãnh đạo các nước G7 cũng đưa ra cảnh báo tương tự đối với Nga.
Cộng đồng quốc tế đưa ra lời kêu gọi này đối với Moscow trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ nhật ngày 16/3 tới tại Crimea để quyết định xem khu tự trị này có muốn sát nhập vào Nga hay không.
Tổng thống Obama nói ‘lập trường của Mỹ là rất rõ ràng rằng chúng tôi xem việc binh lính Nga thâm nhập vào Crimea bên ngoài các căn cứ của họ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế’.
"Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc binh lính Nga đặt chân lên đất Ukraine ở thế kỷ 21, vi phạm tất cả thỏa thuận và hiệp định quốc tế."
Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk
“Chúng tôi rất kiên quyết khi nói rằng chúng tôi sẽ sát cánh cùng với Ukraine và người dân các bạn trong việc đảm bảo giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,” ông nói.
Đề cập đến cuộc hội đàm sắp tới giữa ngoại trưởng hai nước là John Kerry và Sergei Lavrov ở London, ông Obama nói ông hy vọng các nỗ lực ngoại giao sẽ đưa đến việc ‘suy nghĩ lại’.
Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng nếu Moscow ‘tiếp tục đi trên con đường hiện nay thì không chỉ chúng tôi mà cộng đồng quốc tế... sẽ buộc phải bắt Nga trả giá đối với hành động vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm vào lãnh thổ Ukraine’.
Ông không nói rõ cái giá phải trả này là gì, nhưng Washington đã ra lệnh cấm cấp thị thực nhập cảnh đối với một số quan chức cấp cao của Nga và đe dọa đóng băng tài sản của một số nhân vật khác.
Ông Obama cũng nói rằng Mỹ sẽ ‘bác bỏ hoàn toàn’ kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea vì nó được tổ chức một cách ‘vội vã’.
Sẽ trừng phạt thêm?
Phóng viên BBC Rajini Vaidyanathan từ Washington nhận định rằng cuộc gặp ở Nhà Trắng này là cách để Mỹ bày tỏ sự ủng hộ công khai cho chính phủ lâm thời Ukraine.
Nhưng hiện nay vẫn chưa rõ là làm thế nào để buộc Nga thay đổi hành động, bà nói thêm.
Trong lúc này, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận khoản cho vay đảm bảo trị giá 1 tỷ đô la cho chính phủ mới của Ukraine và cho phép Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với các quan chức Nga và Ukraine.
Trước đó, lãnh đạo các nước G7 bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ý và Canada và Liên minh châu Âu đã ra một thông cáo tương tự.
"Nếu Nga tiếp tục đi trên con đường hiện nay thì không chỉ chúng tôi mà cộng đồng quốc tế... sẽ buộc phải bắt Nga trả giá đối với hành động vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm vào lãnh thổ Ukraine."
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Thông cáo này đe dọa họ sẽ ‘có thêm hành động, riêng rẽ hoặc tập thể’ nếu Nga tiếp tục hành xử như vậy.
Tại cuộc họp báo chung ở Warsaw, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói các ngoại trưởng châu Âu sẽ bàn thảo ‘giai đoạn trừng phạt thứ hai’ khi họ nhóm họp vào thứ Hai ngày 17/3.
Các nhà lãnh đạo EU đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Nga về việc nới lỏng hạn chế thị thực cho công dân nước này cũng như ngừng các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Sochi vào tháng Sáu tới.
Bà Merkel cũng tỏ dấu hiệu cho thấy EU sẽ ký ‘nội dụng chính trị’ trong thỏa thuận liên hiệp giữa EU với Ukraine trong tháng này.