Phùng Hoài Ngọc
Tôi vừa đọc cuốn hồi ký tự truyện “Chuyện nghề của Thủy” của hai tác giả: Lê Thanh Dũng và đạo diễn Trần Văn Thủy do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, tái bản lần 1 năm 2013.
Rất nhiều thú vị khi đọc cuốn sách tuyệt vời của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng (chủ yếu với hai bộ phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế). Có thể nói, đạo diễn Trần Văn Thủy là nhà đạo diễn đầu tiên đổi mới nghệ thuật trước khi Đảng đành phải đổi mới.
Ở đây, tôi chỉ muốn bàn về một chi tiết nhỏ trong cuốn sách đó: đoạn viết về bác sĩ Đặng Thùy Trâm, trong phần Bốn. Trên đường cuốc bộ gian khổ vượt Trường Sơn, ông Thủy có dịp cùng đi một đoạn đường với bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm. Đạo diễn kể tới tám trang về người đồng đội đặc biệt này và những suy ngẫm khi biết tin cuốnNhật ký của bà Trâm được một cựu sĩ quan Mỹ trả lại và xuất bản.
Tôi giật mình đọc đoạn ông Trần Văn Thủy nêu ra nghi ngờ về câu nói nổi tiếng được cho là của viên trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu “Đừng đốt, trong ấy đã có lửa”, ông viết:
“Không biết ai là người đầu tiên nói rằng khi những người lính phía bên kia giết chị Đặng Thùy Trâm và lấy cuốn Nhật ký của chị, một người lính Mỹ định đốt cuốn nhật ký, viên hạ sĩ quan quân đội VNCH Nguyễn Trung Hiếu đã nói “Đừng đốt, trong ấy đã có lửa” . Có thật anh ấy nói câu ấy không? Hơi khó tin, cái câu chữ sặc mùi chính trị…. Viên trung sĩ một người rất kiệm lời mà có một câu mỹ miều đầy tính sân khấu ấy chăng, nhất là giữa chiến trường ác liệt?… Nếu có lửa thì là do ai đó, có thể là một người mê cải lương, đưa vào mà thôi (trang 67, 68 – Chuyện nghề của Thủy).
Trần Văn Thủy còn dẫn lại ý kiến nhà thơ Thanh Thảo “Nếu chị Trâm còn sống ngày hôm nay, tôi chắc chắn chị không cho in cuốn Nhật ký”. ...